Về hưu Vương_Kiệt_(nhà_Thanh)

Đến khi Gia Khánh Đế nắm quyền chánh, Kiệt được xem là thủ phụ, hễ gặp việc cần giữ gìn đại cục, thì ông đứng ra can ngăn, nên được đế tôn trọng. Năm thứ 5 (1800), Kiệt lấy cớ bệnh yếu xin hưu, có chiếu vỗ về giữ lại, cho phép ông được chống gậy vào chầu. Năm thứ 7 (1802), Kiệt có xin trí sĩ, được tấn hàm Thái tử thái phó, ở nhà mà vẫn được nhận bổng lộc. Mùa xuân năm thứ 8 (1803), Kiệt sắp sửa về quê, dâng sớ trình bày những tệ nạn chánh trị đương thời, được Gia Khánh Đế khen ngợi và tiếp nhận. Ngày từ biệt, Kiệt được ban gậy chim cưu ngọc ngự dụng của Càn Long Đế, 2 chương Ngự chế thi, để chuyến trở về của ông thật vẻ vang. Ở quê nhà, Kiệt hằng năm được ban thưởng không dứt; mỗi khi ông trần tấu, đều được Gia Khánh Đế đích thân viết thư trả lời, chuyện trò thân mật như người nhà.[1]

Năm thứ 9 (1804), Kiệt và vợ là Trình thị đều được 80 tuổi, triều đình mệnh cho Tuần phủ Phương Duy Điện đem Ngự chế thi, ngạch (tức hoành phi), trân vật (thức ăn ngon),... đến nhà ông mừng sanh nhật. Kiệt vào cung tạ ơn; tháng giêng ÂL năm sau, ông mất ở kinh thành. Gia Khánh Đế thương tiếc, ban vàng để lo việc tang, tặng hàm Thái tử thái sư, thờ cúng ở Hiền Lương từ, đặt thụy là Văn Đoan.[1]